• Breaking News

    #tin1 #kinhdoanh

    Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

    Không dàn trải sản phẩm OCOP như Việt Nam, châu Âu ‘lấy ít làm nhiều’, thu 15 tỷ USD rượu sâm panh

     Việt Nam đã có 8.689 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, nhưng số sản phẩm có thể xuất khẩu, có thương hiệu tại nước ngoài vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.



    Châu Âu ‘lấy ít làm nhiều’, Việt Nam ‘lấy nhiều làm ít’

    Trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023, hôm 12/7, ông Paul-Antoine Croize, Phó Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có khuyến nghị với việc xuất khẩu sản phẩm Việt Nam.

    Vị này cho biết, để tăng được giá trị cho sản phẩm Việt tại thị trường nước ngoài, cần đầu tư thương hiệu. Bởi đa số sản phẩm Việt Nam tại thị trường nước ngoài không có thương hiệu, không có nhãn nên rất khó để người tiêu dùng trung thành với một sản phẩm không được định vị rõ. Một khi có được sản phẩm để người tiêu dùng biết đó là hàng Việt Nam thì cảm nhận, sự trung thành của khách hàng sẽ tăng lên.

    Theo ông Paul-Antoine Croize, đầu tư thương hiệu không đắt đỏ và tốn kém nhiều như đầu tư sản xuất. Đầu tư thương hiệu là tăng nhận diện của khách hàng, thông qua website, logo. Có rất nhiều giá trị của sản phẩm mà nhà sản xuất cần nhận biết để đưa đến khách hàng.

    “Ví dụ mặt hàng tiêu Phú Quốc có rất nhiều giá trị có thể làm nổi bật lên. Hay hạt điều có thể nhập nguyên liệu từ nhiều quốc gia, nhưng ở khâu chế biến, Việt Nam có thể làm được gì để tăng giá trị cho sản phẩm đó, tạo sự nhận biết và trung thành của người tiêu dùng với hạt điều Việt Nam”, ông Paul nói.

    Một vấn đề nữa liên quan đến sản phẩm OCOP, theo vị này, Việt Nam nên phát triển theo tiêu chí “ít thành nhiều”. Hiện ở Việt Nam, mỗi xã, mỗi tỉnh đều có sản phẩm OCOP nhưng làm đại trà, như vậy rất nhiều sản phẩm nhưng lại ít.

    Hiện cả nước có 9.160 sản phẩm OCOP, trong đó có 65,5% sản phẩm 3 sao, chỉ có 0,2% sản phẩm đạt 5 sao. Như vậy, đa phần sản phẩm OCOP vẫn ở dạng sản xuất thô, số sản phẩm đạt 5 sao, tức có chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường đích, còn rất thấp. 

    Từ kinh nghiệm ở châu Âu, ông Paul cho biết các quốc gia sẽ tập trung vào một số vùng có lợi thế với những sản phẩm nổi bật, thay vì phát triển dàn trải.

    “Ví dụ đất nước tôi, họ tập trung vào một vùng có lợi thế sản xuất rượu sâm panh, đạt được doanh số ngoạn mục 15 tỷ USD. Chính phủ cũng tập trung hỗ trợ cho vùng này như đăng kí sở hữu trí tuệ. Như vậy ‘ít nhưng thành nhiều’ vì chúng ta tập trung vào cái cốt lõi để phát triển thế mạnh, thay vì làm theo cách đại trà”, ông Paul nêu ví dụ.

    Thị trường ngay sát biên giới còn bỏ ngỏ

    Trung Quốc và nhiều nước lân cận là thị trường còn nhiều dư địa cho hàng Việt Nam. Ảnh: T.L.

    Trung Quốc và nhiều nước lân cận là thị trường còn nhiều dư địa cho hàng Việt Nam. Ảnh: T.L.

    Cũng trong Chương trình, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), cho biết bối cảnh thị trường thế giới khó khăn chung là vậy, nhưng vẫn còn rất nhiều thị trường tiềm năng, thị trường ngách mà chúng ta chưa khai thác hết.

    Ví dụ ngay cả thị trường rất gần gũi như Trung Quốc, vẫn có những tỉnh chúng ta còn “bỏ ngỏ” như Vân Nam. Thời gian qua, chúng ta mới chỉ tập trung khai thác thị trường Quảng Tây với kim ngạch 30 tỷ USD/năm. Nhưng Vân Nam, nằm giáp Việt Nam, với quy mô 50 triệu người như Quảng Tây, nhưng mới chỉ khai thác kim ngạch khoảng 1/10 là 3 tỷ USD.

    Hay với thị trường Ấn Độ, nơi nhập khẩu gần 600 tỷ USD/năm, nhưng Việt Nam mới chiếm 1,4% thị phần xuất khẩu với kim ngạch khoảng 8 tỷ USD. Tại thị trường châu Phi, Việt Nam cũng mới chiếm 0,8% trong số 600 tỷ USD nhập khẩu của khu vực này.

    Ông Hưng cũng cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới và khu vực hiện nay rất khó khăn, cả bên ngoài lẫn bên trong, chúng ta thường nói đến câu chuyện tăng trưởng xuất khẩu năm sau phải cao hơn năm trước. Nhưng phải đặt câu chuyện thực tiễn, làm thế nào để duy trì thành tích chúng ta đang có, duy trì được vai trò, vị thế hiện nay của Việt Nam, trước khi nghĩ đến tăng trưởng để đạt vị trí cao hơn.

    Khu vực thị trường châu Á – châu Phi hiện chiếm 68% xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch hơn 500 tỷ USD trong năm ngoái. Để duy trì con số này, ông Hưng cho rằng cần phải tiếp tục đảm bảo được đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu. Bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra thường xuyên, tất cả các nước trên thế giới đều có chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cụ thể như thành lập các liên minh, kí kết các hiệp định.

    Do vậy, việc đầu tiên Việt Nam cần làm để duy trì sản xuất, xuất khẩu là phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng đầu vào, đặc biệt là đối với các mặt hàng rất quan trọng cho xuất khẩu như nguồn cung phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

    “Trước đây, chúng ta tập trung nhập khẩu đầu vào từ một số nước lớn, một số nước gần gũi, thì hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều đối tác có thể cung cấp nguồn nguyên phụ liệu dệt may, da giày có chất lượng, giá hợp lý ở khu vực Nam Á như Ấn Độ, Pakistan…”, ông Hưng nêu ví dụ.

    Một xu thế của thế giới mà Việt Nam cần chuyển dịch theo đó là xu thế sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các thị trường nhập khẩu ngày càng yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về an toàn, lao động, môi trường.

    “Trong bối cảnh khó khăn, để thâm nhập vào các thị trường, chúng ta phải có cái gì nó khác, nó hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Việt Nam rất mạnh về dệt may, trong những năm qua xuất khẩu rất nhiều, lên tới 30 tỷ USD mỗi năm. Nhưng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may sụt giảm mạnh. Tuy nhiên nhìn sang các đối thủ như Bangladesh, xuất khẩu dệt may tăng mạnh vì họ đi rất nhanh trong xanh hóa sản xuất. Tại đây, đã có hơn 200 nhà máy đạt chứng nhận công trình xanh Platinum được cấp bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ”, ông Hưng nêu ví dụ.

    doanhnhan

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    • Popular Search

    Tìm kiếm Blog này

    VietNam News

    ThuongHieu.Ws

    Websites

    Beauty

    TAGS

    Travel

    Facebook

    Followers

    Trang